Công ty chúng tôi chuyên sản xuất tất cả các mẫu quần áo bảo hộ lao động, áo Công nhân, quần áo công nhân, kỹ sư, đồng phục bảo vệ,,, và phụ kiện bảo hộ với phương châm UY TÍN - CHẤT LƯỢNG - GIÁ RẺ.

Hotline tư vấn

0937 955 286

Banner mobi
BIẾN ĐỘNG VỀ THỊ TRƯỜNG DỆT MAY

BIẾN ĐỘNG VỀ THỊ TRƯỜNG DỆT MAY

Từ một quốc gia chưa có tên trên bản đồ dệt may thế giới, đến nay Dệt May Việt Nam (DMVN) đã có sự phát triển vượt bậc trở thành một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn, có vị thế và uy tín trên thế giới, đứng thứ 2 tại thị trường Mỹ, thứ 3 tại thị trường Nhật Bản và thứ 8 tại thị trường châu Âu. Đây là 3 thị trường rất quan trọng đối với bất kỳ một nhà xuất khẩu dệt may nào và điều này cho thấy Việt Nam đã bắt đầu khẳng định được vị trí và uy tín của mình trên trường quốc tế.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là ngành Dệt May đã phát huy hết năng lực chưa và còn có cơ hội để bứt phá hay không? Để có câu trả lời, chúng ta hãy cùng đánh giá các yếu tố chính tác động đến Ngành trong những năm tới.

Dư địa phát triển đến từ thị trường thế giới

Trong khi tổng mức tiêu thụ quần áo trên thế giới là 700 tỷ USD, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam mới chỉ đạt 18,4 tỷ USD (nếu tính cả xơ sợi dệt là 20,4 tỷ), tương đương thị phần 2,6%. Nếu ngành duy trì mức tăng trưởng ổn định 20%/năm thì trong 20 năm nữa, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 80 tỷ USD, một con số vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu của thế giới. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Trung Quốc đang dần chậm lại, chỉ cần họ tăng trưởng chậm lại 1% thì đó sẽ là cơ hội tăng trưởng hàng chục phần trăm cho các quốc gia khác. Vì thế có thể khẳng định cơ hội cạnh tranh cho dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế là hoàn toàn có. 

Bên cạnh cơ hội, ngành DMVN còn sở hữu một năng lực cạnh tranh được đánh giá là khá tốt, đặc biệt thể hiện qua 2 cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á (năm 1997) và khủng hoảng kinh tế thế giới (2008-2009), Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia vẫn giữ được tăng trưởng dương trong xuất khẩu dệt may. Ngay cả khi nhập khẩu dệt may của các thị trường lớn có sự biến động thì xuất khẩu vào các thị trường này vẫn ổn định.  Cụ thể, năm 2013 tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của thị trường Mỹ tăng 5%, hàng dệt may của Việt Nam tăng 15%; thị trường châu Âu giảm 5% thì hàng dệt may của Việt Nam chỉ chịu mức giảm 2-3%; nhập khẩu dệt may vào Nhật Bản tăng 8% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh 19,3%; thậm chí tại thị trường Hàn Quốc, khi nhập khẩu dệt may vào thị trường này giảm 7% thì nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9%.

Nhìn vào thị phần của 10 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu từ năm 2010-2013, dễ dàng nhận thấy chỉ có Việt Nam và Bangladesh là hai quốc gia có thị phần tăng trưởng đều đặn qua từng năm, cụ thể thị phần Việt Nam từ năm 2010 đến 2013 lần lượt là 2%, 2,2%, 2,4% và 2,6%. Trong khi các quốc gia cạnh tranh khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Bangladesh đều tăng giảm không ổn định. Điều này thể hiện ngành DMVN không chỉ có năng lực cạnh tranh mà còn là năng lực cạnh tranh bền vững và ổn định.

Cơ sở tiếp theo để xác định dư địa của ngành dệt may đến từ tác động của các Hiệp định Thương mại tự do đang và sắp được ký kết. Đơn cử như Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán và dự kiến ký kết vào năm sau. Do có đến 60% thị phần xuất khẩu của DMVN tập trung vào các nước thuộc khối TPP nên khi tham gia TPP dệt may sẽ được hưởng những ưu đãi đáng kể về thuế quan. Đây là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu, đặc biệt là ở thị trường Hoa Kỳ, bởi hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ hiện chịu thuế suất khoảng 17% - 18%, khi TPP được ký kết thuế suất này sẽ giảm dần xuống 0%. Hay khi ký kết FTA với EU, mức thuế quan 12% mà EU áp dụng đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ xuống còn 0. Điều này sẽ có lợi đối với 5 sản phẩm dẫn đầu xuất khẩu của Việt Nam là veston nữ, veston nam, áo jacket nam, áo jacket nữ và áo len. Việc cắt giảm thuế quan này sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của 5 sản phẩm này thêm 20%. Tương tự như vậy, khi FTA với Liên minh thuế quan 3 nước Nga, Belarus, Kazakhstan được ký kết, hàng dệt may của Việt Nam vào 3 thị trường này sẽ rất thuận lợi, đặc biệt với mặt hàng dệt kim nhẹ.

Nếu hiện tại, dệt may đang vượt kế hoạch 5 năm thì theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tác động của các Hiệp định thương mại tự do, dệt may nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch sớm trước 10 năm (mục tiêu năm 2030 là đạt 45 tỷ USD nhưng nhiều khả năng năm 2020 sẽ đạt được con số này). Đặc biệt, quy tắc xuất xứ của các Hiệp định sẽ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nội khối. Trong dài hạn điều này sẽ thúc đẩy Việt Nam đầu tư vào khâu sản xuất nguyên liệu, cụ thể là sản xuất sợi, dệt nhuộm. Và điều quan trọng là DMVN sẽ có thêm cơ hội xây dựng ngành phụ trợ cho mình.

 

Dệt may vẫn là ngành có vai trò trọng yếu trong phát triển kinh tế

Một cơ sở quan trọng nữa là ngành dệt may phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng và Chính phủ. Đối với một quốc gia đang phát triển có lực lượng lao động đông như Việt Nam, dệt may chính là sự lựa chọn hàng đầu để phát triển nền công nghiệp của đất nước. Đến năm 2015, ước tính Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, số người trong độ tuổi lao động sẽ trên 60 triệu mà hiện tại vẫn trên 70% là nông dân. Muốn giảm 10% lực lượng lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp cần giải quyết cỡ khoảng 6 triệu lao động. Những ngành công nghệ cao, những ngành tài chính ngân hàng… không thể sử dụng những lao động chưa qua đào tạo, hoặc trình độ thấp. Bài học từ các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng phải đi qua công nghiệp nhẹ để chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, ví dụ như dệt may.

Năm 2010, GDP đầu người của Việt Nam đạt 1.160USD, phấn đấu đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.000 USD. Hiện nay, ở các nước có GDP cỡ khoảng 5.000-6.000 USD/người, dệt may vẫn phát triển. Ví dụ như Malaysia vẫn đang là một trung tâm sản xuất thời trang lớn. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, với mức GDP gấp 4 lần Việt Nam, họ vẫn làm được dệt may. Thu nhập công nhân may ở các nước đó tới 600-700 USD/người/tháng, trong khi Việt Nam chỉ xấp xỉ 100-120 USD. Do đó, vẫn có thể tăng thu nhập của người lao động dệt may lên mức 250-300 USD/tháng đến năm 2015.Với mức lương này, một năm, thu nhập người lao động đạt xấp xỉ 3.500 USD. Điều này cho thấy, ngành Dệt may có thể phát triển tốt trong thời gian dài tới đây tại Việt Nam cùng với sự lớn mạnh của kinh tế cả nước, góp phần vào thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020.Nếu phân tích tiếp ta sẽ thấy, với 2,5 triệu lao động của ngành Dệt may vào năm 2015 và với mức thu nhập 250-300 USD/tháng, một năm nền kinh tế đã có khoảng 7,5 tỉ USD lưu thông, góp phần rất lớn để cải thiện đời sống của người dân ở diện rộng.

Mặt khác, ngành may, ngành sợi là những ngành sản xuất sạch, không sử dụng tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường. Chỉ trừ ngành dệt nhuộm có thể đặt vấn đề nước thải nhưng hoàn toàn có thể xử lý được tận gốc. Nếu quản lý tốt phần này thì hoàn toàn yên tâm về sự phát triển bền vững của ngành DMVN.

Những yếu tố như vị trí địa lý, hệ thống cầu cảng thuận lợi cho thông thương, tình hình chính trị ổn định, lực lượng lao động dồi dào… là những cơ sở để nhận định dệt may vẫn sẽ có nhiều thuận lợi trong xuất khẩu. Đây cũng là những yếu tố quan trọng thu hút nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam, hứa hẹn mang đến nguồn vốn lớn, trang thiết bị hiện đại cùng phương thức quản trị tiên tiến làm lợi cho ngành.

Với nội lực của DMVN và tình hình kinh tế xã hội hiện nay, DMVN trong nhiều năm tới vẫn là ngành có vai trò trọng yếu trong phát triển kinh tế, góp phần ổn định an sinh xã hội, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với nước ta có tốc độ tăng dân số  tương đối nhanh. Ngành DMVN vẫn  đóng góp rất lớn vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nông thôn trong sự nghiệp CNH và HĐH đất nước.

Xu hướng phát triển của ngành và vai trò của Vinatex

Trước những tình hình mới, ngành dệt may đối diện với cơ hội đan xen cùng thách thức. Cơ hội tăng trưởng  là hoàn toàn có song để tận dụng lợi ích từ những Hiệp định thương mại tư do cũng như phát triển bền vững, ngành dệt may cần chủ động được nguồn nguyên phụ liệu có chất lượng, tăng năng suất, ổn định thu nhập người lao động. Để thực hiện được những yêu cầu này, xu hướng chung của ngành sẽ là chú trọng tăng trưởng tỉ lệ nội địa hóa, thực hiện chuỗi sản xuất theo hướng ODM, áp dụng mô hình quản trị sản xuất tinh gọn, nâng cao năng lực sản xuất nhờ đó tăng thu nhập cho công nhân.

Trong xu hướng này, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã và đang là doanh nghiệp đi đầu, là hình mẫu để chứng mình đây là con đường phát triển bền vững và hiệu quả, đồng thời tạo ra sức lan tỏa để đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng Việt Nam hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Có thể nói nếu các Hiệp định thương mại là “lực đẩy” khiến các doanh nghiệp phải đi tìm các nguồn nguyên liệu trong nước thì Vinatex sẽ là “lực kéo” để giúp các doanh nghiệp có bước đi hiệu quả, mang lại giá trị thực cho chính doanh nghiệp và nền kinh tế quốc dân.

Như vậy, có thể khẳng định trong nhiều năm tới ngành dệt may Việt Nam vẫn còn  dư địa để phát triển. Cơ hội đến từ các Hiệp định thương mại là có thật nhưng sau 5 năm nữa “miếng bánh” thị trường sẽ dần ổn định, rất khó để tạo ra bước nhảy vọt. Nếu doanh nghiệp DMVN không tận dụng một cách quyết liệt và nhanh chóng thì cơ hội sẽ vuột khỏi tầm tay. Bởi vậy giai đoạn tiếp đây sẽ là khoảng thời gian quan trọng để doanh nghiệp dệt may tăng tốc và đột phá, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu dệt may có quy mô và chất lượng  hàng đầu thế giới.

Tin liên quan
    2023 Copyright © CÔNG TY TNHH BẢO HỘ GIA PHÚ 
    Hotline tư vấn miễn phí: 0937 955 286